Đề xuất Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng
- content:
Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 1861/QĐ-BLĐTBXH Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội theo yêu cầu tại công văn số 2176/VPCP-KTTH ngày 7/6/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Kế hoạch của Bộ LĐTB&XH đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện những giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với đó là hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể ở DN, cấp ngành và nhóm DN để xây dựng môi trường ổn định trong quan hệ lao động.
Bộ LĐTB&XH cũng sẽ hướng dẫn, đôn đốc theo dõi, cập nhật, đối chiếu, báo cáo về tranh chấp lao động, đình công; đề xuất, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý vụ việc phát sinh, sớm ổn định tình hình. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động các tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 19/11/2023 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 41/TTg-QHĐP ngày 10/1/2024.
Một giải pháp nữa được Bộ LĐTB&XH thực hiện là sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công, thúc đẩy giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo đúng quy định.
Đối với giải pháp xây dựng chính sách pháp luật, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện vai trò thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong việc xem xét, rà soát và đánh giá mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tương quan với mức lương thị trường, chỉ số giá tiêu dùng để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp. Cũng như kịp thời thông tin, tuyên truyền chính sách tiền lương của người lao động đối với khu vực DN.
Bộ LĐTB&XH rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách điều tiết, quản lý thị trường lao động hiệu quả, tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.
Bên cạnh đó là xây dựng Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng việc làm, năng suất, thu nhập người lao động, phát triển kinh tế xã hội. Bộ LĐTB&XH ưu tiên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng tương lai phục vụ ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Song song với đó là Bộ LĐTB&XH rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực của DN tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ, tạo việc làm bền vững, giải quyết việc làm và chính sách đối với lao động trên 35 tuổi bị mất việc làm...
Cùng với giải pháp thông tin, tuyên truyền, Bộ LĐTB&XH hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường nghiên cứu, dự báo đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong từng lĩnh vực ngành nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển đất nước và bảo đảm chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động trong tình hình mới.
Nguồn: kinhtedothi.vn